Samsung âm thầm chuyển giao quyền lực

Khi cây đại thụ của gia đình – Chủ tịch Lee Kun Hee vẫn vắng mặt vì cơn đau tim năm ngoái, con trai duy nhất của ông đang thay cha tái cấu trúc các công ty của Samsung. Lee Jae Yong đã thực hiện nhiều thương vụ mua bán, gặp gỡ các lãnh đạo từ Chủ tịch Trung Quốc – Tập Cận Bình đến CEO Apple – Tim Cook. Samsung Electronics tháng trước cũng đã bán Galaxy S6 và cam kết chi 15 tỷ USD xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị bán dẫn tại Hàn Quốc.

Lee Jae Yong năm nay 46 tuổi. Ông đã nhận trách nhiệm lèo lái chaebol (công ty gia đình) lớn nhất Hàn Quốc với khoảng 70 doanh nghiệp, kể cả khi truyền thống khiến ông không thể nhậm chức Chủ tịch khi cha mình còn sống. Samsung ít khi đề cập đến chuyện kế vị. Tuy nhiên, Lee Jae Yong đang dần có vai trò lớn hơn trong công ty.

“Có vẻ Lee Jae Yong đang cố truyền đi thông điệp là Samsung của mình khác với của người cha. Trên nguyên tắc, Lee Jae Yong không phải là Chủ tịch, nhưng trên thực tế, tất cả chúng ta đều ngầm thừa nhận điều đó”,  Lee Sang Hun – nhà phân tích tại HI Investment & Securities cho biết.

lee-jae-yong-2642-1432266094.jpg

Lee Jae Yong hiện là Phó chủ tịch Samsung Electronics. Ảnh: Bloomberg

So với các nước khác, cách truyền đạt của Samsung khá khác thường. Ví dụ, các công ty Mỹ sẽ công bố rõ ràng ai sẽ lên thay thế khi một lãnh đạo cấp cao rời ghế. Những công ty không làm như vậy cũng sẽ bị gây sức ép buộc công bố thông tin.

Tuy nhiên, đến giờ này, Samsung vẫn rất kín tiếng. Họ chưa hề công bố chi tiết quyền lực của Lee Kun Hee sẽ được chuyển giao như thế nào và còn chẳng thông báo về bệnh tật của Chủ tịch cho đến khi giới truyền thông lần ra.

“Sự phức tạp của việc truyền ngôi tại các chaebol chính là điểm độc đáo của Hàn Quốc. Một công ty Mỹ sẽ gặp nhiều áp lực tài chính nếu không có kế hoạch thay thế”, Thomas Husson – nhà phân tích tại Forrester Research cho biết.

Tại Hàn Quốc, con trai nhận chức vụ của người cha đang đau ốm sẽ chẳng khác nào một cuộc cải tổ, Kim Sang Jo – Giáo sư Kinh tế học tại Đại học Hansung cho biết. “Chức Chủ tịch sẽ không bao giờ được trao cho Lee Jae Yong cho đến khi Lee Kun Hee qua đời. Đó chính là văn hóa chaebol của Hàn Quốc”, ông nói.

Điều này cũng có nghĩa Lee Jae Yong đang trong giai đoạn thử thách kéo dài với vai trò lãnh đạo tại Samsung. Mỗi công ty của họ, từ công nghệ, bảo hiểm, xây dựng đến thời trang đều có các lãnh đạo riêng. Riêng mảng điện tử đóng góp phần lớn doanh thu có tới 3 CEO, tất cả đều được chỉ định bởi Lee Kun Hee.

“Nhà đầu tư biết phân biệt rạch ròi chuyện làm ăn và kế vị tại Samsung. Miễn là không có vấn đề nào lớn nảy sinh ở mảng kinh doanh, họ sẽ không mấy phàn nàn về việc ít thông tin kế vị đâu”, Kim Hyun Su – Giám đốc quản lý quỹ IBK nhận xét.

Lee Jae Yong đã bộc lộ tiềm năng lãnh đạo khi gia nhập công ty năm 2001. Ông từng theo học Đại học Quốc gia Seoul (đại học hàng đầu nước này), có bằng Thạc sĩ tại Đại học Keio (Nhật Bản) và theo học Tiến sĩ tại Trường Kinh doanh Harvard.

Vì mọi hoạt động thường ngày do lãnh đạo từng công ty con giám sát, ông chỉ tập trung lên kế hoạch chiến lược cho cả tập đoàn và sắp xếp lại đế chế này. Lee đã làm IPO cho 2 công ty con để chuẩn bị cho khoản thuế thừa kế sau này, thắt chặt quyền lực của gia đình, bán cổ phần trong các mảng hóa học và quốc phòng. Việc này đã giúp Samsung tập trung vào sản xuất và hồi sinh mảng điện tử.

“Phó chủ tịch Lee Jae Yong đã có nhiều năm kinh nghiệm lãnh đạo, tập trung vào hiệu quả kinh doanh chung, thúc đẩy sáng tạo và các chiến lược dài hạn”, Samsung cho biết trong một thông báo.

Từ khi Lee Kun Hee vắng mặt, Samsung Electronics đã tham gia 12 thương vụ mua bán và hợp tác, gấp đôi so với 12 tháng trước, theo Bloomberg. Một trong số đó là thương vụ mua LoopPay để cạnh tranh với hệ thống thanh toán của Apple. Trong tháng này, Lee Jae Yong mới được công bố chính thức thay cha tiếp quản hai quỹ từ thiện của gia đình.

Dù vậy, suốt một năm qua, ông không phải chưa từng bị nghi ngờ năng lực, đặc biệt khi Samsung Electronics để mất thị phần vào tay Apple và Xiaomi. “Đây là thời điểm khó khăn với ông ấy. Lee Jae Yong cần phác thảo và đề xuất chiến lược dài hạn của riêng mình cho Samsung”, Chung Sun Sup – CEO Chaebul.com nhận xét.

Dưới thời Lee Jae Yong, Samsung Electronics đã phản công với Galaxy S6, công bố đầu tư vào nhà máy sản xuất chip mới và tăng hiện diện tại mảng thiết bị kết nối – Internet of Things. Giới phân tích đang kỳ vọng hãng sẽ có quý tăng lợi nhuận đầu tiên sau hơn một năm. “Kết quả kinh doanh quý II của Samsung sẽ tốt hơn nhiều, và việc này chắc chắn giúp Lee Jae Yong kỷ niệm một năm lãnh đạo bằng nhiều sự kiện vui”, Lee Sang Hun cho biết.

Hà Thu (theo Bloomberg)

0913.756.339