Bộ Tài chính: Giá xăng không tác động lớn tới CPI

Trao đổi với VnExpress, Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn cho rằng những đợt điều chỉnh gần đây ảnh hưởng nhất định đến mặt bằng giá cả thị trường cũng như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong thời gian tới. Cụ thể, trong khi giá điện tăng 7,5% (ngày 16/3), tỷ giá tăng 1% (hôm 7/5) thì giá xăng cũng có 2 đợt tăng, tổng cộng thêm 3.200 đồng.

Theo Cục Quản lý giá, dự kiến CPI tháng 5 và 6 chỉ “tăng nhẹ, không có đột biến” mặc dù vừa trải qua những lần điều chỉnh giá điện, xăng. “Khi điều chỉnh giá những mặt hàng này, các cơ quan quản lý đã cân nhắc lựa chọn phương án tăng giá ít tác động nhất đến đời sống nhân dân, đến CPI và cũng cân nhắc lựa chọn thời điểm phù hợp”, đại diện Cục Quản lý giá của Bộ Tài chính cho hay.

Trên thực tế, dù tỷ giá đôla Mỹ không nằm trong rổ tính toán CPI nhưng việc điều chỉnh giá đồng bạc xanh này cũng tác động đến hành vi của người tiêu dùng cũng như gây ảnh hưởng nên lạm phát.

Ngay sau khi xăng tăng thêm 1.200 đồng một lít hôm qua 20/5, các hãng taxi đã đồng loạt tăng giá cước vận tải. Về việc này, đại diện Cục Quản lý giá cho biết sẽ giao các Sở Tài chính kiểm tra mức điều chỉnh tăng, kê khai giá mới của các doanh nghiệp này có hợp lý, phù hợp vời mức tăng của giá thành hay không. “Chúng tôi sẽ kiên quyết dừng các trường hợp kê khai tăng giá không phù hợp với tác động của yếu tố đầu vào và mặt bằng giá cả thị trường”, lãnh đạo Cục Quản lý giá cho biết.

Ngoài cước vận tải, các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, gas… cũng sẽ vào diện tập trung thanh, kiểm tra về giá để đảm bảo không xảy ra tình trạng “ăn theo” xăng, điện.

Không chỉ khẳng định CPI không tăng đột biến sau hai lần điều chỉnh tăng giá xăng, Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh hai lần điều chỉnh tăng giá xăng hôm 5/5 và 20/5 hoàn toàn độc lập với việc điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường từ 1.000 lên 3.000 đồng. “Sở dĩ khẳng định như vậy là do việc điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường đã được Liên Bộ Tài chính – Công Thương cân nhắc kỹ lưỡng, không làm tăng giá xăng, dầu trong nước thông qua việc tính toán tương tác giữa thuế nhập khẩu và thuế bảo vệ môi trường trong cơ cấu giá cơ sở”, cơ quan này cho biết.

Theo tính toán, với mức giá cơ sở hiện nay, mỗi lít xăng đang phải gánh 40% là thuế (thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, bảo vệ môi trường, giá trị gia tăng). Trong đó, riêng thuế bảo vệ môi trường, sau khi tăng lên 3.000 đồng, chiếm gần 15% giá cơ sở.

Thanh Thanh Lan

0913.756.339