Theo báo cáo được Ủy ban Kinh tế Xã hội Châu Á – Thái Bình Dương Liên Hiệp Quốc (UNESCAP) công bố chiều nay (14/5), tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2015 và 2016 được dự báo sẽ tăng lên mức 6,1-6,2% nhờ vào xuất khẩu và đầu tư, cũng như khả năng phục hồi sức mua của hộ gia đình và các ngành kinh tế. Con số này cao hơn mức tăng trưởng gần 6% trong năm ngoái nhưng hơi thấp hơn mục tiêu Chính phủ đề ra đầu năm (6,2%).
Giá cả ổn định sẽ tiếp tục tạo thuận lợi cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Lạm phát đã giảm từ mức hai con số năm 2011 xuống 4,1% trong năm 2014 và được trông đợi tiếp tục giảm xuống 2,5% năm 2015.
Thách thức với các nền kinh tế đang phát triển tại Châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam là thiếu vốn phát triển cơ sở hạ tầng. Ảnh: FT |
Bình luận về dự báo này, tiến sĩ Võ Trí Thành – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho hay bên cạnh dấu hiệu hồi phục của nền kinh tế, Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu và du lịch. Cụ thể, xuất khẩu nông sản thấp đang gây áp lực lên mục tiêu tăng trưởng 10% của tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm nay. Câu chuyện tỷ giá, tăng trưởng kinh tế của Nga, châu Âu khó khăn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến lượng khách du lịch quốc tế tới Việt Nam.
“Để đạt được mục tiêu ổn định vĩ mô và tăng trưởng tốt vẫn còn phức tạp”, ông Thành nói. Bên cạnh đó, việc giảm nợ xấu, nợ công cũng không dễ dàng bởi những cản trở đến từ biến động tỷ giá, tiến trình tái cơ cấu hệ thống thống ngân hàng.
Trong trung hạn, UNESCAP cho rằng diễn biến quan trọng nhất là quá trình tái cơ cấu các ngân hàng và doanh nghiệp Nhà nước, cũng như sự phát triển của khu vực tư nhân. Trong năm 2014, Ngân hàng Nhà nước đã hạ các mức lãi suất điều hành cũng như trần lãi suất huy động nhằm giúp hạ lãi suất cho vay. Tuy nhiên, hiệu quả của các biện pháp này còn hạn chế do tỷ trọng nợ xấu vẫn ở mức cao.
Cải cách doanh nghiệp Nhà nước cũng là một ưu tiên. Chính phủ đang có chương trình đẩy nhanh tốc độ thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước, 74% doanh nghiệp trong số này đã được cổ phần hóa trong năm 2013 và 40 doanh nghiệp trong năm 2014.
Thiếu cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, năng lượng và nước đang cản trở sự tăng trưởng của nhiều quốc gia đang phát triển tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Đây là nguyên nhân hàng đầu khiến cho các quốc gia không thể tham gia đầy đủ vào các thị trường quốc tế. “Một ước tính cho thấy mỗi đôla Mỹ đầu tư vào cải thiện cơ sở hạ tầng có thể giúp gia tăng 0,05 – 0,25 USD trong GDP”, báo cáo nêu.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về cơ sở hạ tầng, UNESCAP cho rằng các quốc gia trong khu vực không chỉ dựa vào nguồn thu truyền thống như thuế hay sự phát triển từ nước ngoài, mà cần khai thác thêm các nguồn tài chính khác. Nhiều tổ chức đã được thành lập trong khu vực để hỗ trợ vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, như Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc thành lập và Ngân hàng Phát triển mới (NDB) của nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), tuy nhiên, nguồn lực của những ngân hàng này vẫn dưới mức yêu cầu.
AIIB và NDB đã ủy quyền tổng vốn giá trị lần lượt là 50 và 100 tỷ USD, trong khi nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng hàng năm của khu vực vượt quá 800 tỷ USD, theo ước tính của UNESCAP.
Do đó, tổ chức này khuyến nghị các quốc gia trong khu vực cần bổ sung vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng từ những tổ chức cho vay đa phương mới, bằng cách sử dụng các phương pháp sáng tạo như tận dụng xếp hạng tín dụng của các tổ chức này để đảm bảo trái phiếu cơ sở hạ tầng trong nước. Khảo sát năm 2015 cũng khuyến nghị sự tham gia của kh vực tư nhân trong phát triển cơ sở hạ tầng thông qua quan hệ đối tác công tư (PPP).
Phương Linh