Moody’s nâng triển vọng tín nhiệm một loạt ngân hàng Việt Nam

Theo đó, xếp hạng tín nhiệm dài hạn của VIB được nâng từ B3 lên B2, vẫn với triển vọng ổn định.

Moody’s đánh giá sức mạnh tài chính (BFSR) của VIB đã nhích lên nhờ chiến lược củng cố hoạt động và giảm đòn bẩy trong hai năm qua, điển hình là giảm cho vay và tăng dự phòng nợ xấu. Hoạt động quản trị rủi ro, quản trị doanh nghiệp của VIB cũng được hỗ trợ tích cực bởi cổ đông lớn – Commonwealth Bank of Australia. Nhà băng cũng đã thực hiện chiến lược mạnh tay nhằm quản lý các tài sản sinh lời ít.

Vốn cấp 1 của VIB tính đến tháng 6/2014 là 16,3% – cao nhất trong các nhà băng được xếp hạng, cho thấy khả năng chịu lỗ tốt hơn. VIB cũng có thanh khoản tốt, với tiền mặt và trái phiếu Chính phủ chiếm 25% tài sản.

5 ngân hàng được tăng triển vọng từ ổn định lên tích cực là Ngân hàng Quân đội (MB), Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng Thương mại Á châu (ACB) và Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VP Bank). Xếp hạng dài hạn của cả 5 nhà băng này hiện là B3.

Theo Moody’s, 5 ngân hàng này đã có cải thiện về quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro và tín dụng. Những biện pháp này đã giúp họ tăng khả năng có lời từ môi trường kinh doanh đang lên tại Việt Nam.

Hãng cho biết có thể tăng xếp hạng của các ngân hàng này nếu kết quả kinh doanh cải thiện hoặc tỷ lệ vốn cấp 1 tăng lên. Mặt khác, triển vọng của họ sẽ bị hạ nếu không cho thấy cải thiện trong cấu trúc rủi ro và quản trị doanh nghiệp, tiếp tục tăng trưởng quá thấp so với trung bình thị trường, không tăng vốn mới hoặc chậm giải quyết các tài sản ít sinh lời.

Ngoài ra, Moody’s cũng công bố giữ nguyên triển vọng ổn định với 3 nhà băng khác là Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB). Trong đó, xếp hạng dài hạn của SHB là B3. Còn VietinBank và BIDV lần lượt là B1, B2 cho xếp hạng tiền gửi dài hạn bằng nội tệ và ngoại tệ.

Moody’s cho biết điểm sức mạnh tài chính của VietinBank hiện cao nhất trong các ngân hàng Việt Nam được xếp hạng. Vì vậy, ngân hàng này cần chứng minh được sự cải thiện trong công tác quản trị, chất lượng tài sản và thanh khoản để được nâng xếp hạng.

Với BIDV, nhà băng này hiện có xếp hạng tiền gửi thuộc top cao nhất Việt Nam do quy mô, sở hữu Chính phủ và vai trò quan trọng trong hệ thống ngân hàng.Tuy nhiên, Moody’s cho rằng BIDV vẫn có tỷ lệ vốn cấp 1 thuộc nhóm thấp nhất các nhà băng được đánh giá và cần cải thiện nếu muốn nâng tín nhiệm.

Moody’s đánh giá SHB dựa trên các bất ổn còn tồn tại sau sáp nhập với Habubank. Xét tình hình tài sản sinh lời ít và sự phức tạp sau hợp nhất, hãng cho biết sẽ nâng xếp hạng của SHB nếu nhà băng cho thấy có thể tăng trưởng bền vững trong thời gian dài hơn.

Trong báo cáo cập nhật, Moody’s giải thích các động thái tích cực trên xuất phát từ nhận xét môi trường tại Việt Nam đã ổn định. Họ cũng dự đoán các ngân hàng sẽ có cải thiện trong tiêu chuẩn bảo lãnh phát hành, do hoạt động quản trị doanh nghiệp có tiến bộ và nhà băng cũng ít chấp nhận rủi ro.

Moody’s cho biết dù tăng trưởng kinh tế chưa mạnh, Việt Nam cũng đã bình ổn lạm phát xuống dưới 7,5%. Việc này đã cho phép Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng, điển hình là lãi suất tái cấp vốn chỉ còn 6,5% đầu năm nay, so với 9% cuối năm 2012. Lãi suất thấp có lợi cho các nhà băng do làm giảm gánh nặng với người vay.

Ổn định kinh tế vĩ mô cũng góp phần cải thiện thanh khoản cho các ngân hàng. Khi tăng trưởng tiền gửi vượt cho vay, hệ số vay nợ trên tiền gửi cũng đã giảm xuống 82% tháng 6 năm nay, từ 87% cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, các ngân hàng Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều vấn đề cần nhiều thời gian giải quyết, như nợ xấu, tiềm năng lợi nhuận thấp và khả năng chịu lỗ yếu do dự phòng rủi ro tín dụng thấp.

Hà Thu

0913.756.339