Hà Nội xin cơ chế đặc thù phát triển đô thị Nhật Tân – Nội Bài

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đang lấy ý kiến các bộ, ngành về tờ trình một số cơ chế chính sách phát triển đô thị hai biên tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài, trước khi trình Chính phủ.

Cụ thể, thành phố cho biết việc xây dựng kết cấu hạ tầng khung đồng bộ, đi trước một bước là trách nhiệm của Nhà nước. Tuy nhiên, nhu cầu vốn cho khoản mục này lên đến 33.000 tỷ đồng, gồm 22.200 tỷ cho xây dựng hạ tầng khung và 10.800 tỷ giải phóng mặt bằng. “Hiện nguồn tiền ngân sách thành phố không có khả năng cân đối, nên việc xây dựng cơ chế đặc thù lựa chọn nhà đầu tư, tài chính, đất đai, giải phóng mặt bằng trình Thủ tướng là cần thiết”, tờ trình nhấn mạnh.

Về cơ chế huy động vốn, Hà Nội đề xuất trường được huy động xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng theo phương thức nhà đầu tư được ứng vốn, Nhà nước sẽ khấu trừ dần vào tiền sử dụng đất, thuê đất của dự án phát triển đô thị. Theo giải trình, phương án này là khả thi bởi dự kiến số tiền sử dụng đất thu được từ các dự án phát triển đô thị dọc tuyến vào khoảng 26.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, địa phương cũng đề nghị Thủ tướng cho phép vay vốn ưu đãi và huy động từ nguồn tài trợ ODA. Hà Nội sẽ dùng tiền thu từ sử dụng đất để hoàn trả.

sa-ban-quy-hoah-3645-142552961-2345-4439

Mô hình quy hoạch đô thị tuyến Nhật Tân – Nội Bài. Ảnh: T.H

Về cách thức lựa chọn nhà đầu tư, thành phố xin được chỉ định thầu hoặc thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án. “Việc chỉ định thầu sẽ dựa trên so sánh kinh nghiệm, năng lực tài chính, quản lý sau đầu tư và đề xuất dự án của một số nhà đầu tư”, tờ trình cho biết.

Theo giải trình của thành phố, dù Luật Đấu thầu, Luật Đất đai hạn chế áp dụng chỉ định thầu, cũng như nhược điểm của phương án này là tạo nguồn thu cho ngân sách chậm, việc công khai minh bạch lựa chọn nhà thầu còn hạn chế song ưu điểm của nó là thủ tục đơn giản, dễ thực hiện.

Bên cạnh đó, địa phương đã từng áp dụng thành công hình thức này tại nhiều dự án khu đô thị lớn như Linh Đàm, Trung Hòa Nhân Chính, Văn Quán, Nam Thăng Long…

Liên quan cơ chế xác định giá đất, dự thảo cho rằng trường hợp lựa chọn nhà thầu theo phương án so sánh để chỉ thầu, Hà Nội muốn được xác định giá sàn để tiền sử dụng đất tại thời điểm lựa chọn nhà đầu tư. Đơn vị được lựa chọn có giá đề xuất không thấp hơn giá sàn được duyệt.

Nhật Tân – Nội Bài là tuyến đường đối ngoại của Thủ đô, nối trung tâm Hà Nội với sân bay quốc tế Nội Bài. Theo chỉ đạo, Hà Nội đã tổ chức lập quy hoạch chi tiết 2 bên tuyến đường này. Quy hoạch chi tiết có quy mô 2.080 ha, chiều dài toàn tuyến 11,7 km, với điểm đầu là sân bay Nội Bài, điểm cuối là cầu Nhật Tân.

Chủ tịch Hà Nội – Nguyễn Thế Thảo cho biết, đồ án được lập trên ý tưởng “Rồng đuổi ngọc” tái hiện hình ảnh truyền thống Thăng Long – Hà Nội, xương sống là tuyến cao tốc từ sân bay về trung tâm thành phố, đầu Rồng quay về sông Hồng – Hồ Tây.

Đồ án quy hoạch cũng phân làm 4 đoạn: Đoạn I từ sân bay Nội Bài đến đường Vành đai 3, có diện tích 390,2 ha, dân số khoảng 6.535 người; Đoạn II từ đường Vành đai 3 đến đầm Vân Trì (diện tích 526,72 ha, dân số 20.291 người); Đoạn III từ Vân Trì đến đường đê sông Hồng (diện tích 888,3 ha); Đoạn IV là phần còn lại ngoài đê sông Hồng, có diện tích 274,6 ha, dân số 29.620 người.

Chí Hiếu

0913.756.339