Anh Hoàng Văn Điền (sinh năm 1978) là một nông dân thuộc xã nghèo Yên Mạc, huyện Yên Mô, Ninh Bình. Năm 1997, anh lập gia đình, cả gia tài lúc ấy chỉ có hơn 2 triệu đồng tiền mừng cưới. Ban đầu, hai vợ chồng anh bàn nhau mở cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi, cùng với đó sẽ mua 100 gà công nghiệp về vỗ béo bán cho các đám cưới, giỗ trong làng.
Anh tâm sự, lúc đó do vợ dại, con thơ và còn khá bỡ ngỡ nên việc buôn bán bị lỗ, trong khi nuôi gà thì bị chết. Dù vậy, hai vợ chồng vẫn động viên nhau đứng dậy làm lại. Vừa mua sách vở, vừa tìm đến các trang trại trong và ngoài vùng để học thực tế, đến năm 2000, anh Điền quyết định vay tiền ngân hàng để mua đất, mở rộng diện tích trang trại và mua 1.000 gà về nuôi. Nhưng khó khăn vẫn chưa buông tha vợ chồng anh vì đúng lúc này trong vùng có dịch, toàn bộ gà chết sạch, gia đình lại trắng tay.
Anh Điền đang cho đàn vịt trời đẻ ăn tại trang trại của gia đình ở xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, Ninh Bình. |
Không từ bỏ, anh chạy đi vay nặng lãi trên 500 triệu đồng về đầu tư vào làm trang trại. Lần này, anh không chọn nuôi gà mà đi vào chăn nuôi lợn siêu nạc. Chỉ một năm sau đó, trang trại lợn của anh đã mang về thu nhập khá.
“Năm 2010 trở đi, trang trại của tôi là mô hình mẫu đầu tiên về nuôi lợn thịt siêu nạc. Mỗi năm xuất bán ra thị trường miền Bắc hàng trăm tấn lợn thịt thương phẩm, thu về lợi nhuật đạt tiền tỷ”, anh Điền cho hay.
Nhưng sóng gió lại tiếp tục ập đến khi giữa năm 2012, dịch tai xanh tràn về. Trang trại của anh không thể thoát được vòng xoáy của dịch. Toàn bộ đàn lợn giống, lợn thịt đến tuổi xuất chuồng trị giá hàng tỷ đồng của gia đình đã bị dịch chết dần, phải mang đi tiêu hủy. “Lúc đó, thực sự tôi mới thấy thấm thía mùi vị của thất bại thảm hại nhất trong cuộc đời mình. Cho đến giờ tôi vẫn còn bị ám ảnh”, anh Điền ngậm ngùi kể lại.
Tuy nhiên, thất bại không khiến anh dừng bước. Anh Điền tiếp tục đi vay và mua được hơn 30 con lợn nái ngoại, về nuôi nhân đàn. Sang năm 2013, đàn lợn thương phẩm của gia đình đã tăng lên hàng trăm con, xuất bán ra thị trường đúng lúc được giá nên doanh thu anh Điền mang về gần 10 tỷ đồng.
Rút kinh nghiệm những lần thất bại trước, anh Điền quyết định đầu tư mạnh vào xây dựng chuồng trại, khu vực xử lý ô nhiễm hiện đại. Anh cho biết, hiện, trang trại đã có hệ thống trang trại nhà vườn, và chuồng nuôi được bố trí đảm bảo an toàn, cách ly tuyệt đối với khu dân cư nên trong thời gian chăn nuôi, chưa từng bị bà con trong xã phản ánh hay phản đối gì về ô nhiễm.
Đến cuối năm 2013, trong một lần sang nhà bạn ở Bắc Giang chơi và được đãi ăn món thịt vịt trời – con vật mà anh chỉ được nghe, chưa được tận mắt nhìn thấy bao giờ. “Lúc đó, được thưởng thức món vịt trời, tôi mê lắm, chưa bao giờ mình lại được ăn món vịt ngon như thế”, anh Điền tâm sự.
Ngay sau khi về, anh đã bàn với vợ, bỏ vốn mua 200 con vịt giống để nuôi, cùng với đó anh bỏ thời gian cả tuần sang trang trại của bạn để học hỏi kỹ thuật nuôi. Chỉ sau gần một năm, đàn vịt giống của anh đã sinh sôi ra cả hàng nghìn vịt con. Đến cuối năm 2014, anh xuất bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh gần 5.000 vịt giống và thương phẩm, thu lãi về hàng tỷ đồng.
Trung bình mỗi năm chăn nuôi và kinh doanh cây cảnh (mô hình mới được anh đưa vào) gia đình anh thu lãi về hàng tỷ đồng. Nói về kế hoạch trong thời gian tới, anh Điền cho biết, trong những năm tới, gia đình sẽ tiếp tục mở rộng trang trại và nâng quy mô đàn vịt trời lên trên 3 vạn con và quy mô đàn lợn lên thêm khoảng gần 1.000 con.
Theo Dân Việt