Với sự xuất hiện gần đây nhất của Mocha – dịch vụ nhắn tin miễn phí trên nền tảng Internet (OTT) của Viettel được cho có cách đi mới, thị trường ứng dụng loại này tại Việt Nam hiện khá đông đúc, từ những tên tuổi quốc tế, đến các sản phẩm do doanh nghiệp trong nước tự phát triển.
Sau giai đoạn chiếm ưu thế của những ứng dụng ngoại như Viber, Skype, Line hay Facebook Messenger, thị trường OTT Việt Nam những năm gần đây xuất hiện nhiều tên tuổi mới do các hãng công nghệ trong nước (Zalo, BTalk…) hay các nhà mạng di động (VietTalk hay gần đây là Mocha) phát triển. Hồi giữa năm 2014, một đại gia viễn thông khác là Mobifone cũng cho biết đang nghiên cứu cung cấp dịch vụ này.
Một khảo sát với người dùng gần đây của hãng nghiên cứu thị trường GfK vừa cho thấy 83% người dùng 3G đang sử dụng Facebook chat hay Facebook Messenger để nhắn tin miễn phí. Các ứng dụng khác ra mắt từ lâu cũng chiếm được thị phần lớn với như Skype với 20%, Viber 45% người sử dụng (một người có thể sử dụng cùng lúc nhiều ứng dụng). Ngoài ra, 71% người được hỏi cho biết họ hài lòng với ứng dụng OTT mà họ đang dùng. Do đó, việc gia nhập thị trường của các ứng dụng mới là hết sức thách thức, song cũng không ít cơ hội.
Nhà mạng có nhiều lợi thế khi tham gia thị trườn OTT, trong đó có tập khách hàng lớn lên đến hàng chục triệu thuê bao. |
Đại diện các hãng công nghệ cũng như nhà mạng đều cho biết mục đích ra đời OTT riêng đều hướng tới tận dụng ưu thế riêng trên thị trường nội địa của mỗi đơn vị. Chẳng hạn Mocha có lợi thế lớn khi sở hữu tập khách hàng 55,5 triệu thuê bao của Viettel, trong khi VietTalk cũng có khoảng 26 triệu. Còn với BTalk, lợi thế mà hãng công nghệ Bkav xác định là việc ra đời cùng thời điểm với sản phẩm smartphone của đơn vị này, giúp hỗ trợ tương tác giữa phần mềm và phần cứng…
Nhận định những tên tuổi nội trên thị trường OTT hoàn toàn có cơ hội khi miếng bánh thị phần ngày một lớn hơn, chuyên gia marketing Nguyễn Phan Anh (Đại học Thương mại) cũng dẫn lại kết quả khảo sát của GfK cho thấy 50-70% người dân thành thị đến nay vẫn chưa sử dụng dịch vụ 3G. Tỷ lệ ở nông thôn còn có thể cao hơn.
Trong khi đó, đa số những người dùng 3G có sử dụng dịch vụ nhắn tin gọi điện miễn phí. “Lượng người dùng OTT sẽ càng tăng khi có thêm nhiều người dùng smartphone, nhất là hiện nay mỗi người đều dùng 2 đến 4 ứng dụng OTT cùng lúc. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội đối với các OTT của nhà mạng”, ông Nguyễn Phan Anh nói.
Chia sẻ quan điểm này, chuyên gia phát triển OTT của một mạng viễn thông lớn chia sẻ điểm yếu của các ứng dụng truyền thống hiện này chỉ dùng được nội bộ. “Ví dụ người dùng Viber chỉ nhắn được cho Viber, chứ ko thể nhắn cho Zalo. Chính vì thế người dùng cần rất nhiều ứng dụng trong máy để trò chuyện với bạn bè, đồng thời phải nhớ xem ai dùng ứng dụng nào khi cần thiết. OTT của nhà mạng cần đặt mục tiêu xoá đi giới hạn này”, ông nhận định. Ngoài ra, vị này cũng cho rằng các nhà mạng còn nên đặt mục tiêu xoá nhoà khoảng cách giữa OTT trên smartphone và điện thoại thông thường, hay kinh doanh dịch vụ giá trị gia tăng trên chính những ứng dụng này.
Chia sẻ với báo chí, Phó chủ tịch Bkav – Nguyễn Tử Hoàng cho rằng trở ngại lớn nhất của các OTT nội chính là Facebook, khi mạng xã hội này cũng có hơn 36 triệu người dùng Facebook và sở hữu OTT Facebook. Vài ngày trước, một đại gia khác là Google cũng cho thấy tham vọng trong ngành viễn thông, khi cho ra mắt dịch vụ di động toàn cầu Project Fi.
Trong khi đó, lãnh đạo Viettel cho biết định hướng khi cho ra đời sản phẩm OTT của nhà mạng là “Khác biệt hay là chết”. Theo đó, Mocha đưa ra nhiều trải nghiệm mới, với tính năng vừa chat vừa cùng nghe nhạc, hay sticker có âm thanh… “Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển các tính năng khác, dựa trên kho dịch vụ nội dung số mà Viettel đang sở hữu như phim ảnh, tin tức, giáo dục, y tế …”, đại diện nhà mạng cho biết.
Số liệu được Viettel công bố, OTT Mocha đã có gần 100.000 người dùng sau một tuần ra mắt (đạt mức tăng trưởng hơn 300%), và với định hướng đầu tư ra 16 thị trường quốc tế trong vòng 2 năm tới, nhà mạng này thậm chí còn tham vọng đưa sản phẩm này trở thành một dịch vụ di động toàn cầu, kết nối hàng trăm mạng di động trên thế giới.
Dù là ứng dụng cho phép khách hàng nhắn tin, gọi điện miễn phí, miếng bánh OTT vẫn hấp dẫn vì cơ hội sinh lời từ lượng người dùng khổng lồ. Thực tế cho thấy nhiều ứng dụng OTT thế giới đã thu được hàng chục triệu USD, nhờ 1 USD thu được trên mỗi khách hàng như trường hợp của Whatsapp, hay Line có lãi nhờ các bán các tiện ích đi kèm. Theo dự báo, đến năm 2016, doanh thu từ OTT toàn cầu sẽ đạt con số 7 tỷ USD. Ngay cả với các nhà mạng trong nước, dù doanh thu từ tin nhắn sụt giảm 3-10% trong năm 2013 vì OTT, cơ hội thu tiền vẫn hấp dẫn trong tương lai. |
Anh Đức