Dưới đây là những kinh nghiệm đúc kết sau những sai lầm khởi nghiệp do anh Lê Văn Long chia sẻ với bạn đọc VnExpress.
Xuất thân trong một gia đình không hoàn hảo nhưng tôi không thiếu thốn về tài chính, vẫn được học hành đến nơi đến chốn. Ngay từ bé, tôi đã có ước mơ kinh doanh làm giàu.
Bạn khởi nghiệp thành công hoặc gặp khó khăn trong kinh doanh, hãy chia sẻ kinh nghiệm của mình tại đây hoặc email về kinhdoanh@vnexpress.net. |
Năm 2008, tôi bắt đầu khăn gói đến Sài Gòn học đại học (học cùng lúc 2 ngành là kế toán và quản trị tại Đại học Hoa Sen theo hình thức tín chỉ) với mong muốn sau này sẽ có vị trí đứng trong xã hội. Sau gần bốn năm miệt mài học tập, tôi cũng đã ra trường với hai tấm bằng trên tay và kiếm được công việc tương đối tốt, phù hợp với ngành đã học.
Tôi bắt đầu lao vào làm việc, kiếm tiền để tích lũy vốn nhằm thực hiện ước mơ kinh doanh, làm giàu của mình. Trong thời gian hai năm từ 2012-2014, tôi đã trải qua các công việc kế toán giá thành, kế toán tổng hợp rồi kế toán trưởng cho các công ty.
Trong thời gian đang đi làm, tôi tự tay xây dựng những ý tưởng và hoạch định cho mình kế hoạch kinh doanh liên quan đến mặt hàng quà tặng trang sức và hàng thủ công mỹ nghệ khá hoàn hảo, từ việc lấy hàng hóa như thế nào, tìm hiểu và bắt đầu xây dựng website ra sao. Sau đó, tôi tiến hành tìm hiểu thị trường quà tặng và cả đối thủ cạnh tranh, những điều họ làm được và chưa được để làm kiến thức nền tảng chuẩn bị cho sự dấn thân vào con đường kinh doanh của mình.
Đầu năm 2015, với số vốn tích luỹ sau hai năm đi làm được 50 triệu, tôi bắt đầu bỏ hẳn công việc đang làm ở công ty với đồng lương tương đối khá để dốc toàn tâm toàn ý bắt đầu ra kinh doanh riêng. Tôi bắt tay thực hiện những ý tưởng xây dựng website, liên hệ đối tác tìm nguồn hàng, thuê mặt bằng…
Chạy theo số đông, chưa xác định rõ tưởng tưởng là những nguyên nhân dễ khiến bạn khởi nghiệp thất bại. |
Nhưng việc khởi nghiệp là không hề đơn giản, tôi bắt đầu nếm mùi những khó khăn, sóng gió. Lúc đó, vì nghỉ làm công nên đồng tiền từ lương bị cắt ngang, còn thu nhập từ việc bán hàng chưa có bao nhiêu trong khi phải chi trả rất nhiều chi phí như tiền thuê nhà, tiền điện…ngốn cả chục triệu đồng. Do đó, với số vốn ban đầu 50 triệu này không thấm vào đâu do nằm gần hết vào hàng tồn kho trong khi những khoản chi phí hàng tháng vẫn liên tục phát sinh…
Tôi đã cố gắng tìm cách xoay sở như vay mượn bạn bè với hy vọng vực dậy việc kinh doanh nhưng tất cả đều không được. Bởi lúc đó tôi như mất hết tinh thần, cảm thấy chản nản vì mình không có điểm tựa để bấu vào khi không giải quyết được bài toán chi phí. Và điều tất yếu là tôi đã đóng cửa sau 4 tháng kinh doanh. Số vốn 50 triệu đồng của tôi cũng đã bốc hơi hơn 30 triệu đồng.
Tuy nhiên, tôi luôn tâm niệm một điều rằng, từ bỏ không có nghĩa là thua cuộc. Với số vốn còn lại khoảng 20 triệu đồng này, giờ tôi bắt đầu lại với mô hình kinh doanh quà tặng theo kiểu làm đại lý để hưởng hoa hồng. Kinh doanh kiểu này tôi sẽ làm một website khoảng 10 triệu đồng, các hoạt động khác tự làm…Để thu hút khách, tôi đã cố gắng tạo ra các dịch vụ mới lạ và chú trọng tới khâu tư vấn khách hàng.
Hiện tại, mô hình này chỉ hưởng số lợi từ tiền hoa hồng không nhiều nhưng xu hướng hoạt động khá tốt. Tôi sẽ cố gắng phát triển lên nhằm tích luỹ lại một số vốn tương đối, sau đó sẽ tự nhận hàng về theo hình thức “mua đứt, bán đoạn” để thu lãi nhiều hơn.
Con đường khởi nghiệp đúng là không hề đơn giản, tuy nhiên cũng không phải quá phức tạp như chúng ta nghĩ. Qua câu chuyện của mình, tôi tin rằng, nếu những ai dám thất bại thì đó là cơ hội để học kinh nghiệm và làm nền tảng cho sự thành công sau này.
Với những gì đã trải qua, tôi không dám đưa ra phương pháp thực hiện sao để thành công nhưng biết mình đã có những thiếu sót gì khiến bị thất bại. Do đó, giờ tôi muốn chia sẻ với mọi người những điều nên hạn chế nếu muốn khởi nghiệp thành công.
Thứ nhất là chạy theo số đông
Điều đầu tiên tôi thất bại là làm kinh doanh chỉ vì chạy theo số đông, thấy mọi người làm giàu mình cũng làm theo để tự hào khoe rằng ta là con người có ý chí, có nguyện vọng và tài năng với vốn kiến thức học tập phong phú và con đường đi làm công không thỏa mãn đồng thu nhập. Nếu bạn rơi vào trường hợp này thì cần xác định lại xem mình làm kinh doanh là vì mục tiêu gì?
Chỉ học phương pháp và cách làm
Đây là điều sai lầm thứ hai mà tôi gặp phải. Lúc đó tôi chỉ học phương pháp và cách làm của người khác mà không hề có một sự sáng tạo và đặc thù riêng nào của bản thân? Qua thời gian bắt tay làm thực tế, tôi mới nhận ra tất cả những phương pháp làm của người khác mình không thể bắt chước một cách rập khuôn vì không phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh riêng. Cho nên, phương pháp không ở đâu xa mà chính là cách các bạn muốn làm và hãy làm theo ý các bạn muốn.
Chưa chuẩn bị tinh thần khởi nghiệp
Ai bắt tay vào kinh doanh cũng thường nghĩ về những màu hồng phía trước và thường lập chiến lược kinh doanh theo lý thuyết. Kế hoạch đó sẽ phải bắt đầu bằng việc nghiên cứu thị trường, tung sản phẩm, chuẩn bị công tác tài chính, chiến lược marketing, tính toán các khoản chi phí, độ nhạy tác động thị trường, phân tích vĩ mô, áp dụng tất cả chiêu thức, mối quan hệ..v.v..
Nhưng cái quan trọng khác, không nằm trong bất cứ một bản kế hoạch kinh doanh nào, đó chính là khâu chuẩn bị tư tưởng thì ít ai làm. Bởi nếu kinh doanh suôn sẻ, thành công thì không nói làm gì, còn nếu gặp khó khăn, trở ngại thì bạn sẽ ứng phó ra sao? Vì những trường hợp đó, thường là tinh thần bạn gần như suy sụp và rất dễ dẫn đến sự buông bỏ và thất bại. Do đó, hãy chuẩn bị tinh thần với những điều khó khăn nhất, và hãy tìm sẵn cho mình một niềm tin để không gục ngã nếu rơi vào khó khăn.
Nghĩ mình thông thạo
Xin kết bài viết bằng ý sai lầm thứ tư mà tôi đã gặp phải, đó chính là cách nghĩ mình là chuyên gia, mình biết về nó rất rõ. Bởi khi bắt đầu kinh doanh, tôi cũng bỏ thời gian nhiều để tìm hiểu lĩnh vực sắp kinh doanh, tra cứu trên internet, qua bạn bè…và cho rằng như thế là đủ. Điều này khiến tôi chủ quan, không chịu học hỏi một cách nghiêm túc, chuyên sâu. Do đó, tôi không nắm rõ được bản chất của các vấn đè phát sinh trong lĩnh vực mình hoạt động.
Bởi những ý tưởng của đối thủ cạnh tranh thường là chúng ta không thể nào tiên đoán được. Đó là chưa kể đến tâm lý khách hàng, xu hướng và cáh thức phục vụ họ…cũng rất phức tạp, cho nên phải luôn luôn vận động, luôn luôn phát triển và phải tự làm mới mình thì mới thích ứng được.
Lê Văn Long