Ngày 25/4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ký Quyết định chấp thuận sáp nhập Ngân hàng Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) vào Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), có hiệu lực từ ngày 5/5. Cùng ngày, Ủy ban chứng khoán đã cấp Giấy chứng nhận cho BIDV phát hành 336,9 triệu cổ phiếu để hoán đổi toàn bộ số cổ phần của MHB, theo tỷ lệ 1:1.
Như vậy, thủ tục pháp lý sáp nhập MHB vào BIDV đã được hoàn tất. Ban chỉ đạo sáp nhập, lãnh đạo hai ngân hàng cũng đã họp và thống nhất lộ trình thực hiện sáp nhập.
Thương hiệu MHB sẽ không còn tồn tại trên thị trường từ ngày 25/5/2015. |
Theo đó, từ 5/5-10/5, BIDV cử cán bộ thực hiện công tác giám sát, rà soát, chuẩn bị các nội dung để thực hiện tiếp nhận bàn giao toàn bộ hệ thống MHB về BIDV, bao gồm trụ sở chính, các chi nhánh, các đơn vị thành viên, trực thuộc của MHB.
Từ 11/5- 17/5, sẽ thực hiện bàn giao sáp nhập MHB vào BIDV cấp cơ sở, gồm các chi nhánh, phòng giao dịch, đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc và các cấu phần hoạt động của MHB.
Dự kiến ngày 22/5, toàn bộ việc bàn giao MHB về BIDV sẽ được hoàn tất. MHB chịu trách nhiệm hoàn tất các thủ tục chấp dứt pháp nhân, đăng ký bố cáo chấm dứt hoạt động, BIDV hoàn tất giao dịch hoán đổi cổ phần cho các cổ đông MHB, hoàn thành việc đăng ký kinh doanh của ngân hàng sau sáp nhập.
Ngân hàng sau sáp nhập mang tên gọi là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Với tỷ lệ hoán đổi 1:1, ngân hàng mới có quy mô vốn điều lệ 31.511 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 695.000 tỷ đồng.
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết cùng với việc sáp nhập, BIDV sẽ điều chỉnh kế hoạch kinh doanh trong giai đoạn 2015 – 2017 và cam kết sẽ kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ hợp pháp của MHB, đặc biệt là quyền lợi của người lao động trong và sau sáp nhập.
MHB được thành lập năm 2007 với gần 240 điểm giao dịch, tập trung tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và phát triển mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong khi đó, BIDV thành lập trước đó 50 năm, có thế mạnh ở các thành phố lớn và khu công nghiệp.
Phương Linh