HSBC cân nhắc rời khỏi Anh

Chủ tịch HSBC – Dougles Flint đổ lỗi việc này cho “các cải tổ cấu trúc và quy định có từ thời hậu khủng hoảng”. “Đây là vấn đề phức tạp và còn quá sớm để nói việc này sẽ kéo dài bao lâu hay chúng tôi sẽ quyết định như thế nào. Nhưng mọi việc vẫn đang được tiến hành”, ông cho biết.

Với tổng tài sản 2.630 tỷ USD và lợi nhuận trước thuế 18,7 tỷ USD, HSBC hiện là ngân hàng lớn nhất châu Âu và là nhà băng Anh duy nhất có hoạt động toàn cầu thực sự. Trụ sở của HSBC hiện đặt tại Canary Wharf của London, với 8.500 nhân viên.

HSBC-jpeg-5000-1429932804.jpg

Một chi nhánh của HSBC gần London (Anh). Ảnh: Reuters

Thông báo trên được công bố trong thời điểm rất nhạy cảm với các doanh nghiệp Anh. Kinh tế nước này vẫn tăng trưởng tốt, nhưng các lãnh đạo doanh nghiệp lo ngại cuộc bầu cử vào ngày 7/5 tới sẽ khiến môi trường kinh doanh càng khắc nghiệt hơn, hoặc đẩy nguy cơ Anh rời Liên minh châu Âu (EU) tăng cao.

Đảng đối lập – Lao động đã thông báo kế hoạch thắt chặt quy định quản lý ngân hàng. Trong khi đó, đảng cầm quyền hiện tại của Thủ tướng David Cameron cam kết tổ chức trưng cầu dân ý về quyền thành viên trong EU nếu thắng cử.

Trước đó, HSBC từng cảnh báo các hậu quả sẽ rất nghiêm trọng nếu Anh rời EU. Một trong những lựa chọn chuyển trụ sở hiện tại cho HSBC là Hong Kong (Trung Quốc). Ngân hàng này có vị trí khá vững chắc tại đây. Do Hong Kong là nơi nhà băng này được thành lập khi còn là thuộc địa của Anh. HSBC chuyển trụ sở về Anh năm 1992, sau khi mua Midland Bank.

Mảng kinh doanh tại Trung Quốc của HSBC đang ngày càng quan trọng. Họ hiện có 51.000 nhân viên tại đây. Bên cạnh đó, thuế doanh nghiệp tại Hong Kong cũng thấp hơn và các quy định về ngân hàng cũng ít khắc nghiệt hơn. Cơ quan Quản lý Tiền tệ Hong Kong cũng cho biết họ sẽ có “thái độ tích cực” nếu HSBC chuyển về đây.

Dù hoạt động tại hơn 70 quốc gia, 80% lợi nhuận của HSBC hiện tại tới từ châu Á, với 12 tỷ USD năm 2014. Con số này gấp nhiều lần so với khoản lỗ năm 257 triệu USD tại châu Âu.

Hà Thu (theo CNN)

0913.756.339