5,2 tỷ đồng mua chỗ bán hàng vài ngày

Chia sẻ với VnExpress.net chị Đỗ Thị Thu Hà, chủ sạp K21, khu A1, tại chợ Tân Bình nghẹn ngào kể, chị bỏ mối hàng tại sạp Tân Bình được 3-4 năm nay. Cuối tháng 8, có chủ sạp trong chợ muốn sang lại mặt bằng. Thấy thế, chị quyết định mua lại.

“Cũng mong là có chỗ để ổn định bán hàng nên tôi đã phải bán một căn nhà, thế chấp thêm một số giấy tờ khác để gom đủ 5,2 tỷ đồng sang lại sạp quần áo 2 mặt tiền ở chợ Tân Bình”, chị Hà bộc bạch. 

cho-9756-1411959866.jpg

Tiểu thương phản đối xây mới chợ thành trung tâm thương mại. Ảnh: NLĐ.

Ngày 9/9, chị tiến hành làm thủ tục sang sạp tại văn phòng ban quản lý chợ. 10 ngày sau, khi chuẩn bị bán hàng, chị nghe tin sắp xây chợ mới.

“Tôi cảm thấy bức xúc vô cùng, bởi lẽ chủ trương xây chợ mới Tân Bình ban quản lý biết rõ, thế nhưng, khi tôi làm thủ tục vẫn không hề được đơn vị quản lý nơi đây nhắc nhở. Điều này cho thấy sự thiếu minh bạch”, chị Hà nói.

Chị còn cho biết thêm, khi biết chợ sắp phá đi xây mới, chị liên lạc ngay với ban quản lý để hỏi rõ ngọn ngành và tìm sự giải thích ở lãnh đạo nơi đây, tuy nhiên họ đều trả lời chị là không biết gì về chuyện xây chợ. Đồng thời, lãnh đạo đưa ra cho chị 2 giải pháp: Sẽ kinh doanh ở chợ tạm một thời gian sau đó chuyển sang chợ tạm hai. Còn không thì nơi đây sẽ bồi thường cho chị 30 triệu đồng.

“Tính từ hôm chuyển qua chợ tới nay tôi mới kinh doanh được 5 ngày, thế mà đùng một cái chỉ được bồi thường 30 triệu. Còn nếu qua chợ tạm tôi cũng phải đóng thuế, mặt khác, chợ tạm nay ở mai đi thì tôi làm sao kinh doanh ổn định được”, chị Hà giãi bày.

Tiểu thương này mong quận Tân Bình cũng như ban quản lý nên duy trì chợ truyền thống. Tiểu thương sẵn sàng bỏ thêm vốn vào để sửa chữa và nâng cấp chợ.

Để giải quyết khúc mắc cho các tiểu thương khác tại chợ này, ngày 25/9, ông Lê Sơn, Phó chủ tịch UBND quận Tân Bình giải thích, chủ trương xây dựng chợ Tân Bình là vì cơ sở hạ tầng của chợ đã xuống cấp, 2/3 số lượng sạp có diện tích nhỏ, không đủ tiêu chuẩn 3m2 mỗi sạp. Việc xây chợ mới cũng chỉ nhằm mục đích giúp nơi kinh doanh khang trang hơn. Riêng trường hợp của chị Hà, ông Sơn cho biết sẽ kiểm tra lại thông tin với ban quản lý chợ và trả lời bằng văn bản cho chị. 

Trao đổi với VnExpress.net ban quản lý chợ Tân Bình cho biết, việc chị Hà nói không biết thông tin xây mới chợ là thiếu chính xác. Bởi lẽ, hôm chuyển nhượng mặt bằng, chủ sạp cũ và chị Hà có giằng co qua lại về vấn đề này. Vì đứng trên phương diện là ban quản lý chợ  nên chỉ ký chuyển nhượng nếu hai bên thỏa thuận với nhau hợp lý. Do vậy, hôm ký chuyển nhượng 2 bên đồng ý thì ban quản lý ở đây mới ký. Lãnh đạo tại chợ cũng khẳng định, họ không có trách nhiệm can thiệp vào thỏa thuận giữa 2 bên. Sự việc đang được UBND quận Tân Bình làm rõ. 

Tuần cuối của tháng 9, UBND quận Tân Bình công bố kế hoạch giải tỏa chợ Tân Bình hiện hữu và xây dựng dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại dịch vụ đa năng và chợ truyền thống Tân Bình. Trong đó, chợ Tân Bình (số 172 – 274 Lý Thường Kiệt) sẽ được xây dựng mới theo mô hình phía trước là Trung tâm thương mại và phía sau là công trình chợ truyền thống.

Trung tâm thương mại được xây dựng trên diện tích 7.000 m2, gồm 17 tầng lầu và 3 tầng hầm, với tổng kinh phí đầu tư 1.992 tỷ đồng. Còn chợ truyền thống Tân Bình được xây dựng trên phần đất còn lại của chợ hiện hữu có diện tích gần 15.000 m2, quy mô gồm 6 tầng lầu, một tầng lửng và một tầng hầm với hơn 5.000 sạp. Cả 2 công trình mới này đều do doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư, không sử dụng tiền ngân sách Nhà nước. Sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư sẽ bàn giao công trình lại cho UBND quận Tân Bình quản lý, khai thác.

Trước thông tin này, hơn 300 tiểu thương tại chợ Tân Bình đã phản đối kịch liệt. Mâu thuẫn kéo dài cả tuần nay. Sự việc vẫn chưa đi đến kết quả đồng thuận chung.

Hồng Châu

0913.756.339