30% người Việt mua sắm trực tuyến vào năm 2020

Tại buổi công bố chính sách thương mại điện tử Việt Nam năm 2015 ngày 18/9, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử & Công nghệ thông tin nhận định với khoảng 30% dân số mua sắm online vào năm 2020, doanh số hằng năm đối với loại hình này có thể đạt trung bình 350 USD trên một đầu người. Bên cạnh đó, doanh số B2C (doanh nghiệp bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng) sẽ tăng 20%, đạt 10 tỷ USD, chiếm 5% tổng mức bán lẻ.

Cũng theo ông Linh, trong 5 năm tới, mô hình thương mại điện tử trên nền tảng di động sẽ tiếp tục là xu hướng chủ đạo trên thế giới, chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ toàn cầu, đạt khoảng 850 tỷ USD vào năm 2018. Tại Việt Nam dự báo đến năm 2020, thương mại trên thiết bị di động sẽ đạt khoảng 300 triệu USD.

ban-hang-4736-1442564601.jpg

Năm 2020, Bộ công thương dự báo sẽ có 30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến.

Theo khảo sát của Cục thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, các doanh nghiệp hiện nay không chỉ tích cực giới thiệu sản phẩm, thương hiệu các chương trình khuyến mại trên môi trường mua sắm di động mà còn thiết kế các ứng dụng riêng cho thương hiệu của mình. Đây là những mô hình mới, phức tạp cần có cơ chế cũng như công cụ quản lý và sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng, góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng và đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Tuy nhiên, Việt Nam hiện chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về hoạt động thương mại điện tử trên nền tảng thiết bị di động. Vì vậy, chưa có cơ sở để xác định mô hình hoạt động cụ thể cũng như phương hướng quản lý phù hợp đối với các mô hình hoạt động này.

Bên cạnh đó, ông Linh cũng hết sức lưu ý vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì hàng giả, hàng nhái rất dễ có điều kiện phân phối. “Bán ở thị trường thì lực lượng quản lý thị trường còn đến bắt chứ trên mạng thì không biết đâu mà lần”, ông Linh lo ngại.

Ngoài ra, theo lãnh đạo một công ty du lịch thì thanh toán điện tử hiện nay vẫn còn nhiều rào cản. Trước hết là chi phí còn cao. Kế đến là vấn đề pháp lý chưa hoàn thiện, khó khăn trong việc thay đổi hành vi của người tiêu dùng vì tâm lý khách hàng sợ hàng không đạt chất lượng (tâm lý mắt thấy, tai sờ còn bị nhầm huống chi là qua mạng)…

Nhiều chuyên gia tham dự hội nghị đưa ra kiến nghị cơ quan quản lý nên định hướng doanh nghiệp để có chuẩn chứ không thiệt hại đầu tiên chính là người tiêu dùng. “Khi rủi ro xảy ra thì ai là người chịu trách nhiệm? Doanh nghiệp cần mua bảo hiểm hay, nhà nước phải nhảy vào để bảo vệ người tiêu dùng”, một chuyên gia bày tỏ.

Trước những bất cập, tồn đọng này, ông Linh cho rằng thanh toán của ngân hàng cần tạo điều kiện và tính cạnh tranh để kích thích thanh toán thương mại vì hiện nay có quá nhiều thứ phí như: phí giao dịch, phí giá trị sản phẩm…. “Song song đó, những hành vi xấu phát tán trên mạng rất nhanh nên cần phải quản lý chặt và có cơ chế xử phạt tốt hơn”, ông nhấn mạnh.

Theo dự thảo Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020, mục tiêu phát triển thương mại điện tử trong giao đoạn này sẽ có khoảng 60% doanh nghiệp hiện diện trên Internet, cập nhật thường xuyên thông tin giới thiệu và bán sản phẩm; 80% doanh nghiệp thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn đặt hàng online…

Lệ Chi

0913.756.339